Công nhân chuyển phòng trọ giá rẻ, chắt bóp chi tiêu

Để thích ứng trong bối cảnh việc làm ít, thu nhập giảm, công nhân phải tìm mọi cách để xoay xở cuộc sống.

Công nhân chuyển phòng trọ giá rẻ, chắt bóp chi tiêu




"Tết năm nay không biết thế nào"

2 con nhỏ đang được gửi ở quê cho ông bà ngoại chăm sóc nên chị L.T.M luôn canh cánh trong lòng làm sao xoay xở đủ tiền gửi về cho con. Thu nhập giảm đi, chị M đã phải chuyển từ phòng trọ 1 triệu đồng/tháng sang phòng còn 600 nghìn đồng/tháng.


Căn phòng trọ này chật hẹp, ẩm thấp hơn, song chị M cũng cố gắng thích nghi để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Vừa kể chuyện, tay vừa nhặt bó rau muống, công nhân này cho biết, hôm nay còn được ăn “sang”, có rau có đậu. Mọi khi tiền trong túi gần cạn, chị phải pha bát mì tôm ăn cho qua ngày. Chị ngồi nhẩm tính, tiền phòng, tiền điện, tiền nước… đã ngốn mất gần 1 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chị tiết kiệm tối đa để gửi về cho con ăn học.

14 năm làm công nhân, chị M cũng chuyển chỗ làm vài lần, để tìm công ty cho thu nhập tốt hơn. Song, chưa bao giờ công nhân này lại thấy bất an, lo lắng như bây giờ.


Mọi người trong xóm trọ của chị “kháo” nhau rằng, với tình hình hiện tại có thể sẽ không có tháng lương thứ 13. Tết cận kề, chị M càng cảm thấy rối bời...


Còn chị B.T.T (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có 5 năm làm công nhân tại công ty về linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Cả tăng ca, mỗi tháng chị T cũng có thu nhập từ 9-10 triệu đồng.

Công nhân chuyển phòng trọ giá rẻ, chắt bóp chi tiêu

Đầu tháng 10, công ty thông báo đơn hàng giảm. Chị T cũng như nhiều công nhân khác bị cắt giảm giờ làm thêm. Bên cạnh đó, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật mấy tuần trở lại đây, chị đều không được đi làm, chỉ quanh quẩn trong phòng trọ.


Thu nhập mỗi tháng giảm khoảng 2 triệu đồng, chị T phải cắt giảm chi tiêu sinh hoạt tối đa. Chị coi bữa ăn ca là bữa ăn chính trong ngày. Ngoài ra, những ngày nghỉ chị không dám đi chơi vì sợ tốn kém.



Nếu đi làm vào thứ Bảy, Chủ nhật, anh H.Đ - Công nhân một công ty thuộc KCN Thăng Long sẽ được hưởng mức lương bằng 2 lần mức lương làm ngày trong tuần. Do đó, công nhân trong công ty của anh "tranh nhau" đăng ký làm ngày này.


Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, công ty thiếu đơn hàng, anh Đ và nhiều công nhân không được đi làm vào cuối tuần. "Bây giờ muốn tranh nhau đăng ký đi làm cũng không được, tết năm nay không biết thế nào" - anh Đ thở dài.

Tiếp tục giám sát tình hình việc làm của NLĐ

Nói về nguyên nhân của việc giảm đơn hàng, đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho hay, do những biến động tình hình kinh tế thế giới, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Vừa qua, có một số doanh nghiệp điện tử trực thuộc bị giảm đơn hàng. Song, tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm của người lao động không có biến động lớn.

Theo đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, người lao động chỉ giảm giờ làm thêm, còn giờ làm việc hành chính vẫn được đảm bảo. Tình hình lao động của các doanh nghiệp vẫn ổn định.


Trước thực trạng trên công nhân mất việc, giảm giờ làm, ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết: "Chúng tôi đang đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương báo cáo về tình hình doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm".

Cùng với đó, Cục Việc làm cũng nhắc nhở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương lưu ý hướng dẫn doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn